SGTT - Dùng một số vị thuốc đông y ngâm trong bình hoặc lọ kín với rượu sẽ cho ra những dược tửu xoa bóp hữu hiệu nhằm dự phòng và điều trị các chứng đau mỏi gân xương, cơ khớp… hay gặp trong những ngày đông lạnh giá.
Rượu thuốc (dược tửu) là một chế phẩm hết sức độc đáo của y học cổ truyền. Việc dùng rượu thuốc để trị bệnh và bồi bổ đã có từ lâu. Có loại rượu thuốc sử dụng để uống và có loại xoa bóp bên ngoài. Mỗi loại đều có những nguyên tắc bào chế và cách sử dụng riêng nên phải hết sức chú ý khi tự bào chế. Có thể mua rượu thuốc xoa bóp đã bào chế sẵn bán ở các nhà thuốc đông y hoặc các phòng khám y học cổ truyền. Cách này tuy tiện lợi nhưng sẽ khó cho người bệnh kiểm soát được chất lượng an toàn của quá trình ngâm rượu. Vì vậy trong dân gian nhiều gia đình có thói quen sử dụng thuốc đông y vẫn hay thiên về cách tự bào chế hơn. Chỉ những bài thuốc rượu nào quá phức tạp, vị thuốc khó tìm, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt họ mới tìm mua thành phẩm.
Khi tự bào chế rượu thuốc, phải biết rõ tên vị thuốc và quy cách, đề phòng loại cây cùng tên mà khác thuốc hoặc cùng thuốc mà khác tên. Đối với một số phương thuốc lưu truyền trong dân gian, nếu muốn bào chế phải hỏi kỹ thầy thuốc để tránh sử dụng nhầm gây hậu quả nguy hiểm. Trên tất cả, phải biết chọn dùng phối hợp những vị thuốc nào và phương cách chế biến ra sao thì mới mong có được những loại rượu thuốc xoa bóp vừa đơn giản lại vừa có hiệu quả như mong muốn:
Rượu thuốc ngô công: Dùng con rết nhà (ngô công) hay rết rừng loại lớn, nhiều chân, dài từ 7 – 13cm, đầu vàng, lưng đen, chân bụng đỏ vàng. Nếu rết to chọn một hoặc hai con; rết nhỏ lấy từ ba đến bốn con. Cồn 900 một lượng khoảng 150ml. Bắt được rết, lấy nước nóng già 70 – 80oC đổ vào. Sau đó đem rửa nhiều lần rồi cho vào ngâm với cồn. Thời gian ngâm từ 30 – 90 ngày, càng ngâm lâu càng tốt. Lọc, đóng chai. Rượu rết có tác dụng xoa bóp các trường hợp đau nhức, phong thấp, té ngã tụ máu. Rượu còn có thể xoa vào chỗ mụn nhọt mới mọc cho tan. Tẩm bông xoa lên chỗ rắn cắn để giải độc.
Rượu thuốc thảo dược: huyết giác 40g, đại hồi 12g, quế chi 12g, địa liền 20g, thiên niên kiện 20g, long não (tán bột) 15g, cồn 700 một lít. Tất cả các vị thuốc tán thành bột ngâm trong cồn khoảng một tuần. Mỗi ngày khuấy một lần, gạn lấy kiệt nước, cho thêm bột long não vào khuấy cho tan hết bột. Đóng chai. Loại rượu này giúp chữa sưng tấy, tụ máu, bầm tím, bong gân, nhức xương, đau khớp.
Tuyệt đối không được uống Các loại rượu thuốc xoa bóp chỉ được dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống bởi đa số các vị thuốc dùng làm rượu thuốc xoa bóp đều có tính độc. Nên dán nhãn lưu ý tác hại ngoài chai. Ngoài ra, khi sử dụng rượu thuốc để xoa bóp không nên bôi vào các vết thương đã chảy hay rỉ máu. Cách sử dụng tốt nhất là tẩm rượu vào bông hay miếng gạc, xoa lên chỗ đau sưng rồi xoa bóp. |
Rượu huyết giác: Huyết giác 20g, quế chi 20g, thiên niên kiện 20g, đại hồi 20g, địa liền 20g, gỗ vang 40g. Các vị thuốc tán nhỏ, cho vào chai cùng với 500ml rượu trắng, ngâm khoảng một tuần, lấy ra vắt kiệt, bỏ bã. Rượu có công dụng tốt cho những trường hợp bị thương do đánh đập, té ngã, đau tức, bầm máu… Trong dân gian còn dùng chữa đau mỗi khi lao động nặng hoặc đi đường xa sưng chân.
Rượu thuốc long não: Long não 100g, cồn 900 khoảng một lít. Hoà tan long não vào cồn. Sau đó lọc, đóng vào chai. Loại rượu này có công dụng xoa bóp giúp đánh tan các chỗ tụ máu, nhức mỏi mình mẩy.
Rượu thuốc hồng hoa: Hồng hoa (cây rum) 12g, đào nhân 20g, xuyên khung 50g, đương quy 50g, thảo ô 20g, hạt tiêu 50g. Các vị thuốc tán vụn, ngâm với một lít rượu trắng, sau ba ngày dùng được. Rượu hữu hiệu với các chứng đau nhức, tê bại, máu ứ bầm tím, nhức mỏi.
Rượu thuốc ngải cứu: Ngải cứu 6g, đương quy 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, thiên niên kiện 10g, hồng hoa 8g, tô mộc 12g, nhục quế 8g, tần giao 12g, huyết giác 12g, mộc qua 10g. Các vị tán vụn, ngâm với 1.000ml rượu trắng, sau bảy ngày là có thể dùng được. Rượu có công dụng tốt để xoa ngoài khớp bị tê thấp hoặc những nơi đau nhức.
Rượu thuốc địa long: địa long ba con, phụ tử chế 12g, tam thất 6g, bạch chỉ 6g, chế xuyên ô 6g, tế tân 6g, mộc qua 10g, xuyên khung 10g, hồng hoa 10g, cẩu tích 10g, độc hoạt 10g, rết một con, mã tiền tử hai hạt. Các vị tán vụn, ngâm với 500ml rượu trắng, sau từ 7 – 10 ngày là được. Ngoài chữa trị các chứng nhức mỏi, trật gân… loại rượu này còn thích hợp xoa bóp làm giảm các chứng đau nhức ngày đông giá lạnh ở người già; phụ nữ sinh đẻ đau thắt lưng dùng xoa vào nơi đau và hai bàn chân cũng sẽ tránh khỏi tê thấp.
PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh - Giảng viên học viện y dược học cổ truyền Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét